Tết Trung Nguyên từ lâu đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Không chỉ mang nét đẹp tôn giáo, Tết Trung Nguyên còn chứa đựng những ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với đời sống tinh thần của người Việt.
1. Tết Trung Nguyên là ngày nào?
Tết Trung Nguyên diễn ra vào ngày Rằm tháng Bảy Âm Lịch. Đây cũng là ngày tổ chức Lễ Xá tội Vong nhân và Lễ hội Vu Lan Báo Hiếu.
Tết Trung Nguyên bắt nguồn từ ngày lễ Vu Lan Bồn. Theo đó, Đức Phật đã kể rằng: Ngày xưa, có một cậu bé tên là Mục Kiền Liên rất ngoan và hiếu thảo. Tuy nhiên, mẹ của cậu, Thanh Đề, lại là một người đàn bà nổi tiếng tham lam, độc ác.
Bà quen sống một cách xa hoa, điển hình là luôn nấu rất nhiều thức ăn nhưng lại để chúng rơi vương vãi vô cùng lãng phí. Mỗi lần như vậy, Mục Kiền Liên luôn nhặt lại những hạt cơm vương vãi đó, rửa sạch và ăn cho bằng hết.
Bẵng đi một thời gian thì người mẹ qua đời, Mục Kiều Liên sau đó đã quyết định xuất gia, quy y cửa Phật. Khi cảm thấy bản thân đã tu luyện chín muồi, cậu bắt đầu cuộc hành trình tìm linh hồn của mẹ ở khắp nơi. Sau bao tháng ngày rong ruổi, cậu cuối cùng cũng tìm được mẹ của mình ở dưới tầng sâu địa ngục.
(Tết Trung Nguyên gắn với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ)
Thanh Đề giờ đây không còn như xưa, giờ đây trước mắt Mục Kiền Liên là một hình hài nghèo khổ, đói khát, chân tay gầy còm chỉ còn da bọc xương. Mục Kiền Liên đau xót và dâng cho mẹ một bát cơm. Thế nhưng, cứ mỗi khi cơm chuẩn bị đưa vào miệng bà thì lại hóa thành lửa đỏ. Thấy sự chẳng đành, Mục Kiền Liên tìm đến Đức Phật để cầu xin Người giúp đỡ.
Làm theo lời chỉ bảo của Đức Phật, Mục Kiền Liên cứu được mẹ mình. Từ đó trở đi, những ai muốn báo hiếu cho cha mẹ đều làm theo cách của Mục Kiền Liên. Đó chính là lí do ngày lễ Vu Lan ra đời.
>>Tra cứu lịch 2021 để biết Tết Trung Nguyên vào khoảng thời gian nào.
Đối với người Việt, Tết Trung Nguyên chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Ý nghĩa thứ nhất, Tết Trung Nguyên bồi dưỡng đời sống tinh thần của các tín đồ Phật tử, làm củng cố niềm tin và hướng con người đến những giá trị sống tích cực hơn. Việc ăn chay, phóng sinh vừa thể hiện lòng từ bi cứu khổ cứu nạn vừa tích đức cho bản thân, gia đình.
(Tết Trung Nguyên hướng con người đến những điều tốt đẹp)
Ý nghĩa thứ hai, Tết Trung Nguyên là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn với những bậc sinh thành. Vào những ngày này, con cháu trong gia đình đều cố gắng thu xếp để trở về nhà, tận hưởng những phút giây ấm áp bên gia đình, người thân.
Ý nghĩa thứ ba, ngoài việc sum vầy bên gia đình, mọi người còn tích cực đến chùa để cầu nguyện sức khỏe cho cha mẹ, lắng nghe những bài thuyết giảng từ đó hiểu rõ hơn về đạo làm con.
Ý nghĩa thứ tư, đây đồng thời cũng là Ngày Xá tội Vong nhân nên mọi người bày tỏ tấm lòng từ bi của mình trước những linh hồn lang thang vất vưởng, không nơi nương tựa.
Tết Trung Nguyên thực chất là Lễ Vu Lan nên việc cúng bái cũng không có gì khác biệt. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn kết hợp với việc cúng Xá tội Vong nhân.
Cúng Phật: Thường là mâm chay hoặc mâm ngũ quả. Trong quá trình cúng bái nên đọc thêm kinh Vu Lan để bày tỏ tấm lòng của mình hướng về tổ tiên, hướng về Đức Phật.
Cúng gia tiên: Mâm cỗ sẽ bao gồm gà trống nguyên con, xôi, bánh chưng,… Không thể thiếu rượu, chè, trái cây và một bình hoa tươi.
(Không thể thiếu những mâm cúng trong ngày này)
Cúng chúng sinh: thường là các món chay như hoa quả, bỏng ngô, vàng mã, gạo muối, cháo loãng,…
Việc thờ cúng nên được cử hành vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm vì đó là giờ đóng cổng địa ngục, các linh hồn lang thang sẽ không về kịp để siêu thoát.
Tốt nhất nên chuẩn bị mâm cỗ chay vì mâm cỗ mặn sẽ khiến các linh hồn vất vưởng thèm khát và đeo bám gia chủ.
Nên cúng chúng sinh trước khi cúng gia tiên vì như vậy những linh hồn lang thang sẽ không dành đồ ăn của tổ tiên.
Có thể thấy, Tết Trung Nguyên là một truyền thống đáng được tôn vinh và gìn giữ. Tuy mỗi năm chỉ diễn ra một lần nhưng nhắc đến Tết Trung Nguyên, ai cũng trào dâng một cảm xúc khó tả về sự từ bi, tấm lòng biết ơn đối với tổ tiên của mình.
Mời bạn đọc tham khảo thêm: Bài văn khấn rằm tháng 7
Những tin mới hơn